Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Lá Vỡ

Lá Rụng

Gió cứ thổi và lá vẫn cứ rơi
Nắng vẫn yêu đời, và con người vẫn nhớ
Nhớ về kỉ niệm thời nào bé nhỏ
Để giờ đây ai đang khóc một mình...

Gió cứ thổi và lá cứ rơi đi
Để thời gian, không gian thêm rộng mở
Để lòng người được thêm che chở
Để nghĩ rằng đó chỉ là chuyện đã qua...

Lá cứ rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh
Bởi cuộc đời vẫn mãi là hi vọng
Bởi niềm vui chẳng bao giờ tắt
Bời lòng người luôn có một niềm tin.

Đây là bài thơ tôi viết năm học lớp 11, sau khi đọc được truyện ngắn viết trên báo Hoa Học Trò. Thực sự truyện ngắn này khiến tôi khi đọc xong phải ngẩn người ra để suy nghĩ. Tôi nhớ nhất là câu nói " Lá cứ rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh đấy thôi..." và tiêu đề truyện ngắn là " Lá Vỡ". Tôi viết bài thơ này, kẹp vào một quyển sách, đến lớp 12, sau khi dọn dẹp đống sách vở, tờ giấy có chứa bài thơ này rơi ra, và sực nhớ là mình đã viết bài này. 

Và đến bây giờ, sau gần 6 năm kể từ ngày đọc truyện ngắn đó, hôm nay, thử search mạng để đọc lại truyện ngắn " Lá Vỡ", chợt nhận ra cô gái trong truyện ngắn sao giống mình thế. Tôi cũng rất thích vẽ, và đặc biệt là thích vẽ cây, vẽ lá. Ngày còn trong đội tuyển Văn cấp 2, tôi từng viết một truyện ngắn về những chiếc lá vàng theo như bài tập của cô giáo giao cho " hãy viết một đoạn văn, chủ đề tự chọn". Ngày hôm ấy, sau khi tôi đọc đoạn văn của mình trước 10 bạn và cô giáo trong đội tuyển, các bạn đã suýt xoa khen hay... Vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng ấy...^ ^
Cô gái ấy và tôi đều có những suy nghĩ, những triết lí sống như "cụ già". Trong khi ở cái tuổi 23 có lẽ người ta không nên như thế. Tôi cũng hay động viên những con người yếu đuối hơn mình, đôi khi hơi khác người, và bị 2 chị ở công ty kêu là "lập dị"... 
Hôm nay tôi sẽ copy truyện ngắn này lên đây nha. Chúc vui vẻ!
Lá vỡ
D
iên mê vẽ lá, lại chỉ vẽ lá khô, lá rụng... Vì sao Diên không biết, vẽ xong thì quăng cọ, nhìn thôi miên chiếc lá cong queo ấy, buồn vui không rõ. Diên lạ đời như thế, nên nhìn già trước tuổi. Xếp bên cạnh các cô bạn hai mươi, Diên như một cô chị cả đa sầu, lỡ dở… Mà tự Diên cũng thấy mình tách biệt khỏi họ. Diên không có vẻ gì của một sinh viên trẻ trung sôi nổi, không có những ấp ủ tương lai dự định. Chẳng giống các cô nàng kiến trúc năng nổ, táo bạo trong cả lời nói lẫn nét vẽ, chẳng mơ mộng vẽ lên những công trình hiện đại ra sao, Diên cũng là dân kiến trúc mà chỉ muốn vẽ những gì mình thích. Lẽ ra Diên nên học Mỹ thuật để trở thành họa sĩ. Nhưng Diên cũng không muốn làm họa sĩ, Diên chỉ vẽ để giải tỏa những bức bối trong lòng. Hai mẹ con sống trong căn nhà rộng thênh, vườn cây mướt xanh. Lá trong vườn là kho báu của riêng Diên, cửa sổ mở toang cho cây lá lòa xòa vươn vào, phong linh cũng hình lá ba màu leng keng sớm tối...”
Nó dừng bút, ngả mình vào chiếc ghế xoay, quay mặt hướng nhìn ra cửa sổ. Một cơn gió nhẹ hều như vất vả lắm mới chui được vào trong phòng, làm rèm cửa khẽ lay động. Từ đây nhìn ra chẳng có cây lá lòa xòa mướt mắt, chỉ thấy những mái nhà xếp lớp thấp cao lô nhô, và những cây ăng ten cũng lô nhô cao thấp. Nó với tay lấy tập bản thảo mới viết được đôi dòng, dùng bút đỏ nguệch ngoạc vài chỗ chưa ưng ý. Coi như cũng đã tạm ổn đoạn đầu sơ lược về tính cách cũng như hoàn cảnh của nhân vật, tiếp theo sẽ thế nào cho thật “romantic”. Một chuyện tình tay ba, hay một mối tình câm. Nhất định lần này phải cho nhân vật một kết thúc… ngang trái, vì đám bạn cứ hay bảo truyện của nó không tiếu lâm thì cũng như cổ tích. Khi nào cũng có một kết thúc hậu hĩnh, những kẻ yêu nhau được tay trong tay. Biết làm sao được, nó thật không đành lòng cho nhân vật của mình… khóc, và cũng vì nó chưa từng phải nếm trải mùi vị đau buồn, thống khổ ra làm sao, nên thật khó mà viết cho hay. Sống trên nhung lụa mà học đòi làm… nhà văn. Có ai đó đã nói, chính nghèo khó lầm than là cái nôi sinh ra những đại văn hào. Nhưng nó đâu có ôm mộng văn chương? Nó viết tự nhiên như là đang kể chuyện vui vậy, chỉ khác là nó kể một lúc có rất nhiều người nghe.
Nhưng hôm nay nó muốn viết một cái gì đó buồn, thiệt buồn. Hôm qua, hai người bạn thân của nó là người yêu của nhau, kéo nó lại để nghe họ kết tội nhau, rồi hỏi xem ai sai ai quấy. Nó ngạc nhiên nhận ra khi hết yêu nhau, cả tình bạn cũng không còn, chứ nói gì đến việc luôn giữ mãi hình ảnh đẹp trong tim như truyện nó viết. Và lần đầu tiên nó nhìn lại những mối quan hệ trên lớp để ngỡ ngàng phát hiện ra, hai cô bạn gái rất thân có thể vì một chàng trai mà quay lưng chê bai, dè bỉu nhau. Ngay cả sáng nay, nó lên tòa soạn lãnh nhuận bút, cô phụ trách nhuận bút vừa ngáp vừa hỏi nó bằng cái giọng mệt mỏi:
     Em có phải là tác giả của truyện ngắn gì đó in trên số tháng năm không, Tiểu thư… gì đó? Hình như có thư bạn đọc gửi cho đó. Xem có phải của em không? Sáng giờ có hai ba người đến mà chưa ai nhận cả…
Nó đã đến đây trên dưới chục lần mà cô ấy chẳng buồn nhớ ra nó là ai, và những truyện đã in trên báo của nó, cô ấy cũng không thèm để tâm…
Chợt nhớ đến lá thư, nó háo hức mở ra xem. Nét chữ con trai rắn rỏi nhưng mới lướt qua dòng đầu, nó có một chút hơi thất vọng vì nó đã mơ tưởng hoài trên suốt đường về nhà, của một anh chàng nào đó…
“Chị Triêu Nhan thân mến! Em là một cậu nhóc đang rất rảnh rỗi, rảnh đến mức không có chuyện gì để vui cười hay buồn khổ. Cũng có thể dùng từ khác để nói về tình trạng này là: cô đơn.
Em đã đọc và cảm nhận được một niềm vui từ những trang viết của chị.
Triêu Nhan có phải là tên một loài hoa dại không chị?
Chị quả là một người rất đặc biệt, có thể cười tươi suốt các sáng tác.
Gửi e-mail cho em nhé, theo địa chỉ maccuoiqua@yahoo.com

Khi nào em cũng có thể trò truyện với chị được, vì em đã nói rồi mà, em rảnh rỗi đến mức không thể ngủ đúng giờ.
Nhóc Bee”.
Cái gì thế này? Lá thư ngắn ngủi nhưng đầy thách thức. Nó tò mò quá, biết đâu là một chàng điển trai đang chơi trò ú tim với nó để nó cứ giả vờ không biết, rồi cuối cùng chàng “úmbala hô biến” thành một anh… sinh viên đại học? Motip này quen quá, hình như nó đã từng viết một truyện như thế này. Hai nhân vật quen biết qua e-mail, chát chít tưng bừng, rồi mến nhau, rồi phát hiện ra là “oan gia” hàng ngày vẫn đụng mặt…
Nó háo hức mở mail, gửi ngay cho nhóc Bee một lời nhắn: “2 h sáng mai tụi mình chát nhé!”
Chỉ cần nói mấy câu là nó biết nhóc này mới mười mí hay đã hai mươi mí liền. Gì chứ cái vụ này, nó tinh mắt lắm.
Ba la rầm trời khi nó nhất định đòi tối nay ngủ trong phòng làm việc của ba. Chỉ có máy trong phòng này mới kết nối mạng, ba sợ đặt trong phòng riêng của nó sẽ không kiểm soát được. Nó đã hai mươi tuổi mà ba mẹ cứ làm như là còn bé bỏng lắm. Đôi khi đọc truyện của con gái, ba cứ giãy nảy lên: “Này này con, sao con toàn viết truyện tình yêu thế?”. Cũng may, “tình yêu” của nó mới chỉ dừng lại ở cái sự “bối rối khi mắt nhìn nhau”. Sau khi thuyết phục được hai đấng sinh thành, công việc còn lại cả buổi tối của nó là chạy đi qua nhà hàng xóm mượn mấy cái đồng hồ báo thức. Hai cái của nhà với ba cái đi mượn được nó giấu khắp căn phòng có mười mấy mét vuông. Nó nổi tiếng là “ăn no ngủ kỹ”, sấm nổ bên tai cũng khó mà lay tỉnh, cho nên phải dùng “biện pháp mạnh” mới mong không ngủ quên. Mỗi cái nó vặn cách ba phút, và đây là những “kẻ già mồm”, chỉ im khi người ta phải mò dậy tắt nên nó cũng khá vững dạ. Nằm yên trong phòng rồi, nó còn tự mắng mình sao ngốc nghếch hẹn vào cái giờ kỳ cục thế này. Rối chợt nhớ lại, không hẹn vào giờ này làm sao biết Nhóc Bee có ba xạo chuyện “rảnh rỗi đến mức không thể ngủ đúng giờ” hay không.
Khi cả năm cái đồng hồ cùng réo lên inh ỏi, nó mới ngơ ngác ngồi dậy, rồi phải vất vả đi tìm coi chúng đang trốn ở đâu nữa. Khi nó mở máy, login để chát thì đã thấy “maccuoiqua” nhấp nháy gọi rồi.
“Chị ơi, chị bao nhiêu tuổi?”.
“Hai mươi ba, còn nhóc?” - Nó cố tình khai gian mấy tuổi.
“Em mười tám, vừa thi rớt đại học nên rất tuyệt vọng. Đang rất buồn, cám ơn chị đã trò chuyện với em”.
“Đại học không phải là cánh cửa duy nhất nên em không cần tuyệt vọng, cố gắng năm sau lấy lại những gì đã mất vẫn không muộn”.
“Cám ơn chị đã động viên, chị hình như chưa từng… thất bại phải không?”.
“Có chứ! Chị học dở ẹc, vào trung cấp kế toán, giờ làm thư ký cho một công ty bé như hạt đỗ. Hàng ngày rót nước pha trà, đánh máy, nghe điện thoại, chơi game, chán chê mê mải buồn rồi mới quay sang viết truyện. Đó cũng có thể nói là “thất bại” chứ?” – Cái vụ này nó “xạo” cho thêm… ly kỳ.
“Chị rất cừ đấy chứ. Sống trong môi trường chán phèo như thế mà trang viết lúc nào cũng ắp tiếng cười. Em đã rất vui khi đọc những câu chuyện của chị. Chúng thật hồn hậu và luôn tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống”.
“ Cám ơn...”.
… … … …
“Chị đang thử nghiệm viết một câu chuyện tình buồn, có nên không nhóc?”.
“Tại sao chị có ý tưởng đó?”.
“Vì đôi khi chị nhận thấy trang viết của mình hơi xa rời thực tế. Những nhân vật nữ dễ thương dịu dàng trong sáng khác những cô bạn gái đầy tham vọng bây giờ. Và những chàng trai hào hiệp chung tình như đã tuyệt chủng mất rồi!”.
“Nếu như cuộc sống thực sự đang mất dần vẻ đẹp, thì chúng ta càng phải trân trọng những trang viết ca ngợi nó chứ. Em cũng đọc nhiều, thấy chỉ nhan nhản những nỗi buồn giả tạo, nỗi buồn của kẻ ngồi trên đống vàng mà tưởng tượng đến ngày mình tay trắng… Không nói lên được điều gì cả!”.
“Nhóc nói cũng không sai, nhưng cũng có những câu chuyện buồn nhưng đẹp, buồn nhưng vui, buồn nhưng ý vị… Chị đang rất muốn viết một câu chuyện như thế...”.
… … … …
“Đố Bee, tại sao lá cứ rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh?”.
“Chiếc lá ấy đã dâng hiến cho đời hết sức sống, rồi thanh thản lìa cành. Đời lá có khác chi đời người, sống hết mình để chết không vương nợ. Ai không sợ chết, chưa làm được điều gì có ý nghĩa, chết thật tiếc thay…”.
“Nói gì miên man chuyện sống chết thế? Chị đã có chút ý tứ cho câu chuyện tình buồn đẹp đẽ của mình rồi. Một cô bé sinh viên hơi lạ đời, bị ám ảnh về tình yêu khi ba mẹ cô ly dị. Hai anh chàng ấy là bạn thân của nhau cùng yêu cô ấy. Cô tưởng như đã chọn được anh chàng luôn tán tỉnh cô sôi nổi, nhưng cuối cùng mới hay mình đã cảm động vì tình yêu lặng lẽ của chàng kia… Câu chuyện sẽ có điểm nhấn quanh câu hỏi tại sao lá cứ rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh để liên tưởng đến tình yêu của họ. Được không nhóc?”.
“Gì rắc rối thế chị? Em thấy nên cho cô ấy quen hẳn một chàng, nhưng chàng ấy rất khù khờ không hiểu cô cần gì; rồi anh chàng khác xuất hiện, lạnh lùng, kiêu bạc một chút, quan trọng là hiểu cô thích cái gì, như mê lá chẳng hạn. Và anh ta kể cho cô nghe biết bao chuyện hay về lá, những chuyện mà cô chưa từng biết. Cô ấy xao lòng, chàng kia phát hiện, bỏ đi. Cô ấy mới nhận thấy mình cần anh ta biết bao nhiêu...”.
“Ưm hừm! Để chị viết thử cho nhóc xem nhé…”.
… … … …
“Chị không biết chuyện hay về lá là cái gì hết!”.
“Kể cho chị nghe vài chuyện hay nhé. Bốn chữ “diệp bất ly thân” là dành chỉ hoa cúc, vì lá của nó, dù héo tàn queo quắt vẫn không rời thân. Cái xác lá mỏng manh ấy cứ bám chặt vào thân cây cho đến khi rã ra, vỡ ra từng mảnh. Ở đèo Hải Vân có một loại thân leo rất lạ, lá nó to bằng hai bàn tay, không rõ tên gì, gọi là cây lá bạc. Nó nhiều lắm, mặt trước xanh biếc, nhưng mặt sau lại trắng bạc, mỗi đợt gió qua, lá cứ gập mình xuống, phô cái lưng bàng bạc ra, cả một vùng rập rờn. Đến mùa hè thì trổ hoa trắng tinh, nhụy hoa lại vàng rực, chiu chít từng chùm...…”.
“Ôi… Sao mà em giỏi thế, kiến thức đầy mình”.
“Chiếc lá tuyệt vời nhất với em là chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn cùng tên của O’Henry, vì nó đẹp cái đẹp nhân bản. Ước gì mỗi con người trên thế gian này khi đối diện với sống chết, tìm cho mình được chiếc lá hy vọng ấy...”.
“Bee ơi, có gì giấu chị phải không?”.
“Đâu có đâu, chị nhớ viết xong là mail cho em đọc trước nhé!”.
… … … …
Một tuần rồi mà không thấy tin tức chi của nhóc Bee. Nó đã gửi ba cái e-mail cũng không thấy trả lời. Khi nào nó cũng “login” chờ mà chỉ toàn của những kẻ muốn quen biết tùm lum ghé vào tán dóc. Tối khuya nào cũng nói chuyện mà giờ nó mới nhớ ra chưa từng hỏi thăm địa chỉ hay số điện thoại của thằng nhóc cả. Không hiểu sao nó buồn ơi là buồn, lời nói của thằng nhóc cứ vang vang trong đầu:
“Lá cứ rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh đấy thôi, chỉ vì cuộc đời này không khi nào hết niềm tin và hy vọng, dù người ta có tuyệt vọng thế nào, cũng sẽ tìm thấy được niềm vui cho mình ở những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, chỉ cần ta có niềm tin…”.
Nó cảm nhận được một cái gì đó trong những lời nói của thằng nhóc. Đó là cái gì thì nó không thể đoán biết rõ ràng, nhưng hẳn nhóc Bee đang có chuyện gì đó rất buồn. Nó từng nói đấy thôi, “rảnh rỗi đến mức cô đơn”.
Nó cầm bút, viết như một cái máy:
“... Một bức tranh màu vàng, cô gái trong tranh có khuôn mặt nghiêng ngiêng hình lá, đuôi mắt cũng cong cong như đuôi lá, và mái tóc nghiêng xõa về một bên cũng là một chiếc lá, những đường gân mỏng manh hiển hiện.…Nét mực còn chưa khô hẳn. Nét chữ nghiêng nghiêng quen thân... Lá không vỡ... Diên cười. Diên cứ mải mê vẽ cho mình một chiếc lá đang vỡ, mải mê tìm cho mình một cảm giác tình yêu, nhưng chưa bao giờ biết đi tìm điều ngược lại. Tại sao cứ chỉ thấy lá vỡ mà không thấy vòm xanh? Tại sao cứ cần phải có cảm giác mà chính Diên cũng mơ hồ về nó. Diên khóc. Những giọt nước mắt cứ thi nhau lăn tràn. Từng giọt. Từng giọt. Rơi rớt hết vào bức vẽ. Nước mắt làm cho những nét màu chưa kịp khô hẳn loang lổ. Khuôn mặt lá tan ra, tan ra, như là đang vỡ...…”.
Nó đọc lại, mà thấy chính mình muốn khóc. Lần đầu tiên nó viết được một câu chuyện thật buồn, bằng một nỗi buồn rất thật. Nó gửi ngay đến địa chỉ e-mail của nhóc. Biết nhóc có đọc không? Nhưng điều đó cũng không quan trọng nữa. Thằng nhóc ấy và nó ngày mai sẽ trở về với cuộc sống bình thường. Nó sẽ trả lại phòng làm việc cho ba, sẽ lại lên giường lúc chín giờ tối và sáng hôm sau chạy bộ ra công viên. Nó sẽ vẫn viết, cũng là những câu chuyện vui vui, nho nhỏ… Viết để mình vui, để mang niềm vui ấy chia sớt hết mọi người. Câu chuyện tình buồn bã lâm ly mà hai đứa hì hục bàn tính sẽ được cất vào ngăn kéo. Độc giả duy nhất là hai đứa nó. Đó là một kỷ niệm đẹp và vui vui của hai chị em. Nó sẽ rất nhớ.
Nó choàng tỉnh, phát hiện ra mình đang nằm trên ghế salon trong phòng làm việc của ba. Tiếng máy Fax cứ roèn roẹt, đó chính là nguyên nhân khiến nó tỉnh giấc. Nó chẳng để ý. Chắc là công văn giấy tờ gì của ai gửi cho ba. Đã mười giờ sáng rồi, nó nhẩn nha đi xuống nhà rửa mặt.
Trưa, chuẩn bị tập vở lên lớp, nó quay vào phòng ba lấy cặp, ngang qua máy fax và tiện tay cầm tờ giấy lên. Một bức vẽ! Nó tưởng như thót tim khi thấy bức vẽ ấy chẳng khác gì bức vẽ của nhân vật trong truyện nó vừa viết xong. Nét vẽ run run, lòe nhòe. Phía dưới có một hàng chữ viết tay.
“Nhóc Bee là anh trai tôi, 25tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh. Anh ấy xin được mổ dù biết sẽ rất nguy hiểm. Cám ơn chị đã trò chuyện với anh, là niềm vui hiếm hoi mà anh có được trong những ngày cuối cùng. Anh muốn tận tay gửi cho chị bức vẽ này, muốn nói với chị, nó đẹp như chiếc lá cuối cùng của O’ Henry, nhưng…
Một lần nữa xin cảm ơn, chúc chị vui...”.
Không phải chỉ có tiếng cười mới là biểu tượng của niềm vui. Có những nỗi buồn cũng để lại trong lòng người ta một niềm vui nhỏ, vì người ta biết người ta sẽ rất nhớ về nó. Lá rụng mà vòm lá vẫn mãi xanh, không hẳn thế đâu, có những nỗi mất mát không thành hình, nỗi đau ấy chỉ chiếc lá cạnh bên là hiểu. Nhưng ta hãy tin rằng, vòm lá vẫn mãi xanh...







Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Truyện ngắn của Nghị Minh - Trung Quốc


Cưới nhau được hai năm, chồng tôi bàn với tôi về quê đón mẹ anh lên ở với chúng tôi để bà được sống an nhàn những ngày cuối đời. Bố anh ấy mất sớm từ khi anh còn nhỏ, nên bà mẹ gửi gắm tất cả mọi hy vọng vào anh, một mình bà chắt chiu thắt lưng buộc bụng nuôi anh khôn lớn cho tới ngày học xong đại học.

Tôi đồng ý ngay và lập tức dọn dẹp dành riêng cho bà căn phòng có ban công hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng vừa có thể bày vài chậu cây cảnh.

Bước vào căn phòng chan hòa ánh sáng vừa dọn xong, anh ấy chẳng nói chẳng rằng bất chợt bế xốc lấy tôi và quay một vòng quanh phòng. Khi tôi sợ quá cào cấu anh xin anh bỏ xuống thì anh bảo: "Nào, chúng mình về quê đón mẹ nhé".

Chồng tôi cao lớn, còn tôi thì bé nhỏ và thích được nép đầu vào ngực anh. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như anh có thể nhét gọn tôi vào túi áo. Những bận hai người tranh cãi nhau mà tôi không chịu thua, anh bèn nhấc bổng tôi lên ngang đầu và quay tít cho đến khi tôi sợ hết hồn xin anh buông tha mới thôi. Tôi thích cái cảm giác vừa sợ vừa sung sướng ấy.

Mẹ anh sống ở thôn quê lâu năm nên rất khó có thể sửa ngay được những tập quán của người nhà quê. Chẳng hạn, thấy tôi hay mua hoa tươi bày ở phòng khách, bà có vẻ khó chịu. Cực chẳng đã, một hôm bà bảo: "Các con thật chẳng biết chi tiêu gì cả. Hoa có ăn được đâu mà mua làm gì kia chứ?". Tôi cười: "Mẹ ơi, trong nhà có hoa tươi nở rộ thì ai nấy đều vui vẻ cả?. Bà cúi đầu lầu bầu gì gì đấy. Chồng tôi bảo: "Đây là tập quán của người thành phố, mẹ ạ. Lâu ngày mẹ sẽ quen thôi".

Bà không nói gì nữa, nhưng sau đấy mỗi bận thấy tôi mua hoa về, bao giờ bà cũng không thể im lặng mà cứ hỏi mua hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá cả thì bà chép miệng tiếc rẻ. Có lần thấy tôi xách về túi to túi nhỏ các thứ mua sắm được, bà gặng hỏi giá tiền từng thứ một. Tôi kể lại giá mỗi thứ. Nghe xong bà chép miệng thở dài thườn thượt. Chồng tôi véo mũi tôi và thì thầm: "Ngốc ơi, nếu em đừng nói giá thật với mẹ thì sẽ chẳng sao cả, phải không nào?"

Cuộc sống đang vui tươi thế là dần dần có những hòa âm trái tai.

Điều làm bà khó chịu nhất là thấy con trai mình ngày ngày dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Đàn ông mà chui vào bếp nấu ăn cho vợ thì coi sao được, bà nghĩ vậy. Vì thế mà bữa sáng nào bà cũng nặng mặt không vui. Tôi giả tảng không thấy gì thì bà khua đũa đụng bát tỏ ý không bằng lòng. Làm giáo viên dạy múa ở Cung Thiếu niên, ngày nào tôi cũng phải nhảy nhót mệt bã người nên khi ngủ dậy thường nằm rốn tận hưởng chăn đệm ấm áp, coi đó là một thú hưởng thụ. Vì thế tôi đành giả câm giả điếc trước sự chống đối của bà mẹ chồng.

Đôi khi bà cũng làm giúp tôi một ít việc nhà, nhưng thật ra chỉ làm tôi thêm bận bịu mà thôi. Chẳng hạn, những túi ni lông đựng đồ, mọi khi tôi đều quẳng vào thùng rác thì bà tích cóp lại, bảo là để hôm nào bán cho đồng nát. Thế là khắp nhà đầy những túi ni lông. Mỗi lần rửa bát hộ tôi, bà đều hà tiện không dùng nước rửa chén thế là tôi phải rửa lại, dĩ nhiên phải kín đáo để bà khỏi tự ái.

Một tối nọ, khi tôi đang rửa chén trộm như thế thì bà nhìn thấy. Thế là bà sập cửa đánh sầm một cái, nằm lì trong buồng khóc gào lên. Chồng tôi cuống quýt chẳng biết làm gì. Cả tối hôm ấy anh không nói với tôi câu nào. Tôi làm nũng với anh, anh cũng chẳng thèm để ý. Tôi điên tiết lên vặn lại: "Thế thì rốt cuộc em sai chỗ nào ạ?" Anh trợn mắt: "Tại sao em không thể phiên phiến một chút nhỉ, bát không sạch thì ăn cũng có chết đâu, hả?"

Một thời gian dài sau đấy, bà chẳng nói chuyện với tôi. Không khí trong nhà bắt đầu dần dần căng thẳng. Chồng tôi rất mệt mỏi, chẳng biết nên làm ai vui lòng trước.

Không muốn để con trai làm bữa sáng, bà cả quyết nhận lấy "nhiệm vụ nặng nề"này. Rồi khi thấy anh ăn uống ngon lành, bà lại nhìn ngó tôi với ý trách móc tôi không làm tròn bổn phận người vợ, khiến tôi rất khó xử. Để thoát khỏi cảnh ấy, tôi đành không ăn bữa sáng ở nhà mà mua túi sữa trên đường đi làm, mang đến cơ quan ăn.

Tối hôm ấy lúc đi ngủ, anh bực bội bảo: "Có phải là em chê mẹ anh nấu ăn bẩn nên mới không ăn sáng ở nhà, đúng không?" rồi anh lạnh nhạt nằm quay lưng lại, mặc cho tôi nước mắt đầm đìa vì ấm ức. Sau cùng anh thở dài: "Cứ coi như là em vì anh mà ăn sáng ở nhà, được không nào?"

Thế là sáng sáng tôi đành ngồi vào bàn ăn với tâm trạng ê chề.

Một hôm, khi đang ăn món cháo bà nấu, tôi chợt thấy buồn nôn, mọi thứ trong bụng muốn oẹ ra, gắng kìm lại mà không tài nào kìm được, tôi đành quăng bát đũa chạy ù vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo. Sau một hồi hổn ha hổn hển thở, khi tôi bình tâm lại thì nghe thấy bà bù lu bù loa vừa khóc vừa đay nghiến oán trách tôi bằng những từ ngữ nhà quê, còn anh thì đứng ngay trước cửa phòng vệ sinh căm tức nhìn tôi. Tôi há hốc miệng chẳng nói được gì, thật ra nào mình có cố ý nôn đâu.

Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau to. Mới đầu mẹ anh còn giương mắt đứng nhìn, sau đấy bà thất thểu bỏ ra ngoài. Anh tức tối nhìn tôi rồi đi ra theo bà.

Ba ngày liền không thấy bà và anh về nhà, cả đến điện thoại cũng không thấy gọi. Tôi tức điên người mỗi khi nghĩ lại từ hôm bà lên đây ở mình đã phải chịu bao nhiêu nỗi oan ức, thế mà anh ấy còn muốn tôi thế nào nữa đây?

Không hiểu sao dạo này tôi hay buồn nôn thế, ăn gì cũng không thấy ngon, lại thêm trong nhà bao nhiêu chuyện rắc rối, tâm trạng vô cùng tồi tệ. Cuối cùng, vẫn là các bạn ở cơ quan bảo: ?oSắc mặt cậu xấu lắm, nên đi khám bệnh thôi!?.

Kết quả kiểm tra ở bệnh viện cho thấy tôi đã có bầu. Bây giờ mới rõ tại sao sáng hôm ấy tôi bỗng dưng buồn nôn. Niềm hạnh phúc sắp có con pha trộn với một chút buồn giận oán trách: Tại sao chồng mình và cả bà mẹ chồng nữa lại không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ?

Tôi gặp anh tại cổng bệnh viện. Xa nhau mới có ba ngày mà trông anh tiều tụy quá chừng. Tôi định quay đi, nhưng bộ dạng ấy khiến lòng tôi xót xa, không nén được, tôi gọi anh. Anh nhìn tôi như người xa lạ, ánh mắt không giấu nổi nỗi chán ghét như một mũi kim lạnh buốt đâm vào lòng tôi.

Tôi tự nhủ "đừng nhìn anh ấy, đừng nhìn anh ấy", và chặn một chiếc taxi lại. Thật ra lúc ấy tôi chỉ muốn hét to: "Anh yêu của em, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!" rồi được anh bế xốc lên sung sướng quay một vòng.

Ước muốn ấy đã không xảy ra. Khi ngồi trên taxi, nước mắt tôi ứa ra lã chã.

Vì sao chỉ một lần cãi nhau đã làm cho tình yêu của chúng tôi trở nên tồi tệ tới mức này cơ chứ? Về nhà, tôi nằm trên giường nghĩ tới chồng, tới nỗi chán ghét đầy trong mắt anh. Tôi nắm lấy góc chăn khóc nấc lên.

Nửa đêm, có tiếng lạch cạch mở ngăn kéo. Khi bật đèn lên tôi trông thấy khuôn mặt đầy nước mắt của anh. Thì ra anh về nhà lấy tiền. Tôi lạnh nhạt nhìn anh không nói gì. Anh cũng làm như không thấy tôi, lấy xong các thứ liền vội vã bỏ đi.

Có lẽ anh định thật sự chia tay với tôi đây. Thật là một người đàn ông có lý trí, biết tách bạch tình và tiền rạch ròi như thế đấy. Tôi cười nhạt, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Hôm sau tôi không đi làm mà ở nhà, muốn xem xét lại mọi ý định của mình rồi tìm anh trao đổi cho xong mọi chuyện.

Khi đến công ty của anh, cậu thư ký ngạc nhiên nhìn tôi: "Ơ kìa, mẹ tổng giám đốc bị tai nạn, hiện đang nằm bệnh viện kia mà" Tôi trố mắt cứng họng, lập tức đến ngay bệnh viện. Nhưng khi tìm được anh thì bà đã tắt thở rồi.

Anh không hề nhìn tôi, mặt cứ lầm lầm. Tôi nhìn khuôn mặt vàng vọt không hồn của bà, nước mắt ứa ra: Trời ơi! Tại sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?

Cho tới hôm an táng mẹ, anh vẫn không thèm nói với tôi một câu nào, thậm chí mỗi khi nhìn tôi, ánh mắt anh đều hiện lên nỗi chán ghét tột độ.

Nghe người khác kể lại, tôi mới biết sơ qua về vụ tai nạn. Hôm ấy bà bỏ nhà rồi thẫn thờ đi về phía ga xe lửa, bà muốn về quê mà. Chồng tôi đuổi theo, thấy thế bà rảo bước đi nhanh hơn. Khi qua đường, một chiếc xe buýt đâm vào bà...

Cuối cùng thì tôi đã hiểu tại sao anh ấy chán ghét mình. Nếu hôm ấy mình không nôn oẹ, nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi nhau với anh ấy, nếu... Trong lòng anh, tôi là kẻ tội phạm gián tiếp giết chết bà.

Anh lẳng lặng dọn vào ở phòng mẹ, tối tối khi về nhà, người sặc mùi rượu. Lòng tự trọng bị tổn thương bởi nỗi xấu hổ và tự thương hại đè nặng khiến tôi thở không ra hơi nữa. Muốn giải thích mọi chuyện, muốn báo anh biết chúng tôi sắp có con rồi, nhưng cứ thấy ánh mắt ghẻ lạnh của anh là tôi lại thôi không nói gì. Thà anh đánh tôi mắng tôi một trận còn hơn. Tôi có cố ý để xảy ra mọi tai họa ấy đâu!

Ngày tháng cứ ngột ngạt lặp đi lặp lại. Càng ngày anh ấy càng về nhà muộn hơn. Chúng tôi cứ thế căng với nhau, xa lạ hơn cả người qua đường. Tôi như cái thòng lọng thắt vào tim anh.

Một hôm, khi đi qua một hiệu ăn Âu, tôi nhìn qua cửa kính thấy chồng mình đang ngồi đối diện với một cô gái trẻ và nhè nhẹ vuốt tóc cô. Thế là tôi đã hiểu rõ tất cả. Sau giây lát ngớ người ra, tôi vào hiệu ăn, đến đứng trước mặt chồng mình, trân trân nhìn anh, mắt ráo hoảnh. Tôi không muốn nói gì hết, và cũng chẳng biết nói gì.

Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi rồi đứng lên định bỏ đi. Anh ấn cô ngồi xuống rồi cũng trân trân nhìn lại tôi, không chịu thua. Tôi chỉ còn nghe thấy tim mình đập chầm chậm từng nhịp như đang sắp kề cái chết.

Kẻ thua cuộc là tôi, nếu cứ đứng nữa thì tôi và đứa bé trong bụng sẽ ngã xuống.

Đêm ấy anh không về nhà. Bằng cách đó anh báo cho tôi biết: Cùng với sự qua đời của mẹ anh, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng đã chết.

Những ngày sau, anh vẫn không về nhà. Có hôm đi làm về, tôi thấy tủ áo như bị sắp xếp lại, chắc anh ấy về lấy các thứ của anh.

Tôi chẳng muốn gọi điện thoại cho anh, ý định giải thích mọi chuyện cho anh cũng biến mất hẳn.

Tôi sống một mình. Đi bệnh viện khám thai một mình. Trái tim tôi như vỡ vụn mỗi khi trông thấy cảnh các bà vợ được chồng dìu đến bệnh viện. Các bạn ở cơ quan bóng gió khuyên tôi bỏ cái thai đi cho yên chuyện nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi như điên lên muốn được sinh đứa bé này, coi đó như sự bù đắp việc bà mẹ chồng qua đời.

Một hôm đi làm về nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng khách mù mịt khói thuốc lá, trên bàn đặt một tờ giấy. Không cần xem, tôi đã biết tờ giấy đó viết gì rồi. Trong hơn hai tháng chồng vắng nhà, tôi đã dần dà học được cách giữ bình tĩnh. Tôi nhìn anh, cất mũ rồi bảo: "Đợi một tí, tôi sẽ ký ngay đây?. Anh nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối chẳng khác gì tôi. Vừa cởi cúc áo khoác, tôi vừa tự nhủ: "Chớ có khóc đấy, chớ có khóc đấy...". Hai mắt nhức lắm rồi, nhưng tôi quyết không cho chúng nhỏ lệ nữa.

Mắc xong áo lên móc, thấy anh cứ chằm chằm nhìn cái bụng to của tôi, tôi mỉm cười đi đến bàn, cầm lấy tờ giấy, rồi chẳng xem gì hết, liền ký tên mình và đẩy tờ giấy cho anh.

"Em có bầu rồi đấy à?"

Đây là lần đầu tiên anh ấy nói chuyện với tôi kể từ hôm bà bị nạn. Nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi. "Vâng, nhưng không sao cả, anh có thể đi được rồi".

Anh không đi mà ngồi lại, hai chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối. Anh từ từ ôm lấy tôi, nước mắt nhỏ ướt đầm vai áo tôi. Thế nhưng lòng tôi đã không còn gì nữa, rất nhiều thứ đã biến đi xa lắm rồi, xa tới mức có đuổi theo cũng chẳng lấy lại được nữa.

Không nhớ là anh ấy đã nói với tôi bao nhiêu lần câu "xin lỗi" nữa. Trước đây tôi cứ tưởng mình sẽ tha thứ cho anh, nhưng bây giờ thì không. Suốt đời tôi sao quên được ánh mắt băng giá anh nhìn tôi khi đứng trước cô gái nọ ở hiệu ăn Âu hôm ấy.

Chúng tôi đã rạch vào tim nhau một vết thương sâu hoắm. Tôi không cố tình, còn anh thì cố tình. Quá khứ không thể nào trở lại được nữa.

Trái tim tôi chỉ ấm lên mỗi khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với anh thì tim tôi đã lạnh như băng. Tôi không đụng đến tất cả những thức ăn anh mua về, không nhận bất cứ món quà nào anh tặng, không nói với anh nửa lời. Kể từ hôm ký vào tờ giấy kia, hôn nhân và tình yêu, tất cả đều đã biến mất khỏi trái tim tôi.

Có hôm anh định trở lại phòng ngủ của chúng tôi. Anh vào thì tôi ra phòng khách nằm. Thế là anh đành phải về ngủ ở phòng của bà.

Đêm đêm, đôi lúc từ phòng anh vẳng ra tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi nghe thấy nhưng lặng thinh. Lại dở trò cũ chứ gì. Ngày trước, mỗi bận bị tôi làm mặt giận phớt lờ, anh ấy đều giả vờ ốm như vậy, khiến tôi ngoan ngoãn đầu hàng và chạy đến hỏi xem anh có sao không. Thế là anh ôm lấy tôi cười ha hả. Anh quên rồi, ngày ấy tôi thương anh vì hai người yêu nhau. Bây giờ thì chúng tôi còn có gì nữa đâu?

Tiếng rên rỉ ấy kéo dài đứt quãng cho tới ngày đứa bé ra đời. Suốt thời gian chờ đợi ấy, hầu như ngày nào anh cũng mua sắm thứ gì cho con, nào là đồ dùng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nào là sách nhi đồng v.v... Những thứ ấy chất gần đầy căn phòng của anh. Tôi biết anh làm thế là để tôi cảm động, nhưng tôi giờ đã trơ như đá. Anh đành giam mình trong phòng, ngồi gõ phím máy tính lạch cạch. Chắc là tìm vợ trên mạng. Nhưng chuyện ấy đâu còn có ý nghĩa gì với tôi nữa.

Năm sau, vào một đêm khuya cuối xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi thét lên. Anh nhảy xổ vào buồng, hình như khi đi nằm anh vẫn không thay quần áo chỉ là để chờ giây phút này. Anh cõng tôi chạy xuống cầu thang, chặn taxi lại. Dọc đường, anh cứ nắm chặt tay tôi, luôn lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy đến khoa sản. Khi nằm trên đôi vai gầy guộc mà ấm áp của anh, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: Trên đời này, liệu có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?

Rồi anh vịn cánh cửa khoa sản, đưa ánh mắt ấm áp dõi theo tôi đi vào trong. Tôi cố nhịn đau mỉm cười với anh.

Khi tôi ra khỏi phòng đẻ, anh nhìn tôi và thằng bé, rưng rưng nước mắt mỉm cười. Tôi chạm vào tay anh, chợt thấy anh mềm nhũn người, mệt mỏi từ từ ngã xuống. Tôi gào tên chồng mình..., anh chỉ mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại...

Tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ còn nhỏ nước mắt vì anh, thế mà lúc ấy một nỗi đau xé ruột xé gan bỗng dội lên trong lòng.
Bác sĩ cho biết chồng tôi bị ung thư gan, cách đây 5 tháng mới phát hiện, khi đó bệnh đã ở thời kỳ cuối, anh chịu đựng được lâu thế quả là một chuyện lạ hiếm có. Ông bảo: "Chị nên chuẩn bị hậu sự đi thì vừa". Mặc y tá ngăn cấm, tôi trốn ngay về nhà, xộc vào phòng anh, mở máy tính ra xem. Một nỗi đau nhói lên làm trái tim tôi nghẹn lại. Thế đấy, 5 tháng trước đây anh đã phát hiện mình bị ung thư gan, những tiếng rên rỉ của anh là thật cả, nhưng tôi lại cứ cho là...

Những điều ghi trong máy tính rất dài, đó là lời trăn trối anh để lại cho con mình: Con của bố. Vì con mà bố ráng chịu đựng cho tới nay, chờ bao giờ trông thấy con thì bố mới chịu ngã xuống. Đấy là nguyện vọng lớn nhất của bố hiện giờ... Bố biết rằng, đời con sẽ có nhiều niềm vui hoặc có thể gặp trắc trở. Nếu bố có thể cùng con đi suốt quãng đời con lớn lên thì vui biết bao. Nhưng bố không có dịp may ấy nữa rồi. Bây giờ bố ghi lại vào máy tính từng vấn đề con sẽ có thể gặp phải trên đường đời, khi nào gặp những vấn đề ấy thì con có thể tham khảo ý kiến của bố, con nhé.


Con ơi, viết xong mấy chục trang này, bố cảm thấy như mình đã cùng đi với con suốt chặng đường trưởng thành của con. Bây giờ bố thật sự vô cùng sung sướng. Hãy yêu mẹ con nhé! Mẹ rất vất vả vì con đấy. Mẹ con là người yêu con nhất và cũng là người bố yêu quý nhất...

Chồng tôi viết về tất cả mọi chuyện, kể từ khi đứa bé còn ở vườn trẻ cho tới lúc nó học tiểu học, trung học, đại học, rồi ra công tác, cả đến chuyện yêu đương của con nữa. Chồng tôi cũng để lại một bức cho tôi:

Em yêu quý. Được lấy em làm vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời anh. Em hãy tha thứ việc anh đã làm tổn thương em. Hãy tha lỗi việc anh giấu tình hình bệnh tật của mình, chẳng qua chỉ vì anh không muốn để em phải lo nghĩ trong thời gian chờ bé chào đời... Em yêu quý. Nếu khi đọc những dòng này mà em khóc thì nghĩa là em đã tha thứ cho anh rồi. Như thế anh sẽ có thể mỉm cười cảm ơn em luôn luôn yêu anh... Anh sợ rằng mình sẽ không có dịp tự tay tặng cho con những món quà anh đã mua sắm. Phiền em hằng năm thay anh tặng quà cho con, trên bao gói nhớ đề rõ ngày tặng, em nhé...

Khi tôi trở lại bệnh viện thì anh vẫn đang hôn mê. Tôi bế con đến, đặt nó nằm bên cạnh anh và nói: "Anh ơi, anh hãy mở mắt ra cười lên nào. Em muốn để con mãi mãi ghi nhớ hơi ấm của bố nó khi nó nằm trong lòng anh đấy, anh ạ..."

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Ngày chủ nhật buồn...

Ngày hôm nay chị đi, em buồn lắm chứ. Dù sao thì chị cũng phải đi thôi, lớn rồi mà, sao có thể ở mãi với em được...

Hôm nay bố chồng và chồng chị về đón chị, nói chung là em chẳng muốn nhìn thấy mặt mấy người đó.

Cách đây 4 năm, ngày đưa chị về nhà chồng, em đã khóc, cảm giác như người khác lấy cắp chị của em vậy, lúc đó anh rể đã hứa với em là sẽ chăm sóc chị cẩn thận. Em còn hận cái nhà đó đã cướp chị của em. Ngày đó, con nhóc 19 tuổi như em nghĩ rằng việc đi lấy chồng là một điều rất đáng buồn, em nghĩ ai lấy chồng cũng sẽ khổ và chẳng hiểu nổi tại sao con gái lớn lên lại phải lấy chồng nữa.

Rồi đến ngày hôm nay, chị lại về nhà chồng, chị nói chị cũng không thích về, nhưng chị thương anh rể, rằng chị không muốn quay lại đó nữa, chị muốn ở lại với em...Em thì bên ngoài có vẻ muốn đuổi chị đi, nói rằng dù sớm hay muộn thì chị cũng phải đi thôi, nhưng thực lòng em chẳng muốn chút nào, chị đi rồi ai chơi với em, ai nghe em tâm sự đây, ai mua kem cho em ăn, ai nấu cơm, ai đi chơi, ai ngủ cùng em...em vốn nhát ma mà

Chị của em biết sống vì người khác, chứ đâu có ích kỉ như em, em chỉ biết sống theo cảm xúc của chính bản thân mình, em nóng nảy, em ích kỉ, và chỉ có chị mới chơi nổi với em. Nhưng giờ chị đi rồi, chắc một tuần mới về nhà mình được 1 lần, mà lại còn về với anh rể, em chẳng thích tẹo nào, em ghét cả nhà họ, mặc dù họ chẳng làm gì nên tội với em.

Nếu em nói điều này ra có lẽ em thấy bất hiếu, nhưng sự thực người em yêu quý nhất trên cuộc đời này là chị đấy, không phải bố mẹ. Bố mẹ cho em cuộc sống, nhưng người hiểu em nhất lại là chị. Em biết ơn gia đình mình, hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình này, và hạnh phúc khi có chị.

Mấy tháng vừa qua được ở với chị em thấy vui lắm, hàng ngày có người nói chuyện, có người cười nói, chị là người duy nhất nói em là " chó" mà khiến em nhe răng cười được. Em soi gương và nhận ra một điều " Chị ơi, hình như đầu em không tròn" , đáp lại là một câu nói rất chi ung dung của chị " ờ, chẳng biết tròn hay không nhưng mà ra nhìn xem đầu con chó nhà mình nó như thế nào thì đầu em như thế". Rồi chị sung sướng khi nghĩ ra tên mới cho em. " CẨU SỮA"!!! Minh Hằng thì được tên là " Heo Sữa", còn em chỉ đáng với cái tên " Cẩu Sữa" thôi, tiếp đó là những tháng ngày chị bêu riếu cái tên mới của em cho mấy đứa trẻ con. Hic. Tất cả những gì em phát hiện coi là sáng kiến thì chị cũng bảo rằng "  thôi, em cứ bình thường cho chị nhờ, em đừng tự dưng khôn đột xuất, chị sợ lắm"... Hic, chị là người làm em cụt hứng một cách nhanh nhất đấy.

Chẳng biết chị có hiểu được tình cảm của em với chị không nhỉ. Sự thực thì chị em mình ít có cơ hội ở với nhau nhiều. Ngày em học lớp 9 thì chị đi học Đại học trên HN, tháng chị về được một lần nên mình ít có cơ hội nói chuyện. Đến khi chị ra trường thì em lại vào đại học. Em học được 1 năm chị lại đi lấy chồng... Giờ thì em lại cô đơn.

Một đứa 23 tuổi như em sao lại dùng từ "cô đơn" nhỉ. Bạn bè đầy ra đó, rồi cũng đến lúc em phải có người yêu thôi. Nhưng với em, có người yêu sao khó thế, người em thích thì lại không thích em, để rồi chị suốt ngày phải "điếc đầu" vì em than vãn, kể khổ. Với em, người khiến em thích không cần đẹp trai, không cần nhà giàu, chỉ cần biết làm em cười và thoải mái mà thôi. Sao lại khó thế nhỉ. Có lúc chị dọa em sẽ tố cáo với đứa bạn em rằng em thích nó, lúc đó em sợ thật đấy, nhưng vẫn ra vẻ cấm đoán, nạt nộ chị. Điều em sợ nhất là khi tình cảm của mình bị bại lộ... Và em mong là tình cảm đó sẽ sớm hết, để em được vui vẻ hơn.

Chị đi rồi, hi vọng là mọi chuyện đều ổn. Em sẽ cố gắng đi chơi với bọn bạn nhiều hơn, sẽ tìm ra nhiều niềm vui hơn. Em mong chị sớm có em bé, mặc dù biết rằng chị có em bé em sẽ phải "ra rìa"... Em thích bé gái hơn, nhưng nếu chị sinh bé trai, em sẽ vẫn đi mua súng, mua ô tô cho nó nghịch.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Ngày nghỉ.

Dịp lễ năm nay mọi người được nghỉ 4 ngày. Mình định đi du lịch một mình, nhưng kế hoạch lại bị phá sản vì có 3 mẹ con cô Phượng - đồng nghiệp của chị Thùy về nhà mình chơi.

Phương - con nhóc mới 7 tuổi - con của cô Phượng bị mình kêu là "loi choi" vì nó họat động luôn chân luôn tay, cứ nhìn thấy mình là nó đuổi theo, hết nhảy cẫng lên người mình ôm vai bá cổ,đòi cõng, lại tra tấn mình khi mình định ngủ trưa. Nó vứt mấy con gấu bông lên đầu mình, rồi nằm đè cùng lên, dận huỳnh huỵch như ngựa, nó chắc nghĩ là mình không biết đau. Mình giả vờ kêu không thở được thì nó cũng không tha cho " chị mà cử động em giết chị luôn". Thế là lại phải "chiến đấu" với nó để lấy lại công bằng. Cũng may là cuối cùng mình thắng. Nhưng chẳng được ngủ tẹo nào.

1h trưa, mọi người chuẩn bị đi Đồ Sơn. Đầu tiên là vào nhà cô bạn của cô Phượng. Sau đó mấy cô cháu ra biển, vòng vèo định vào HON DAU RESORT  chơi, nhưng đông quá không chen nổi nên đành phải ra biển ngồi hóng gió. Mấy chị em xuống biển nghịch nước. Phương Điên vẫn không hết điên, nó kêu đau chân và đòi bọn mình cõng nó. Hic. Cũng may nhóc này nhẹ cân, không thì mình xin chết ngay mất.


                    Phương Điên ngồi giữa, Thùy ngố và em Linh tạo dáng....

                                                                  Thùy ngố và cô Phượng


                                  Trông mình thật hiền dịu....ặc ặc

Nghịch với Phương Điên mệt nhưng vui. Chơi xong hai chị em lên nhà cô Phượng ngủ, sáng hôm sau mới về. Lại đi mua sắm, đi thăm bà đẻ, rồi lại "còng lưng" dọn dẹp nhà cửa. Và đến hôm nay thì phải bắt đầu sự nghiệp học hành trong khi thiên hạ vẫn đang được nghỉ ngơi...

Hi vọng mấy tháng nữa mình sẽ được đi du lịch mấy tỉnh miền núi... Phải tích tiền từ bây giờ!